ClockChủ Nhật, 07/02/2016 15:01

Bảo tàng thơ độc đáo

TTH - So với các loại kiến trúc cung đình của các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế có một đặc trưng tinh tế, đó là việc khắc chạm thơ trên di tích. Hầu hết các kiến trúc quan trọng đều có thơ chữ Hán.

Những bài thơ được chạm khắc trên các kiến trúc quan trọng. Ảnh: Hải Trung

Thơ được thể hiện trên các kiến trúc cung đình Huế khá đa dạng về phương thức, chất liệu, kiểu dáng và về cả vị trí tồn tại. Thơ được khắc chìm, chạm nổi trên các liên ba, đố bản bằng gỗ; được thếp vàng chữ, nền sơn các màu; viết trên nền đồng rồi tráng men (pháp lam) với nhiều màu sắc. Hiện nay, trên hệ thống kiến trúc này có trên 4000 ô thơ chữ Hán, thật sự trở thành một bảo tàng thơ có một không hai trên thế giới.

Thơ trên kiến trúc góp phần làm nên phần hồn, làm tăng tính văn hóa cho các công trình thời Nguyễn, có những giá trị gắn kết với những nội dung tư tưởng nhất định. Chúng vừa biểu hiện đặc điểm thẩm mỹ của kiến trúc vừa tồn tại trong tư cách là một văn bản nghệ thuật. Đó cũng là bản chất tâm hồn của chủ nhân với những khát vọng và ước mơ của một triều đại. Thơ đã trở thành thông điệp để nối quá khứ và hiện tại, quá khứ và tương lai trong một hành trình bất tận của cuộc kiếm tìm và khám phá cái đẹp.

 

Tháng 5/2016, Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ nhóm họp tại Huế để thảo luận những vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản tư liệu thế giới. Dịp này dự kiến sẽ thông qua các đề cử di sản tư liệu mới, trong đó có thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài thơ về đề tài vịnh cảnh và mùa xuân qua các chất liệu và hình thức thể hiện khác nhau tại các kiến trúc cung đình với phần dịch thơ của Hải Trung, Vĩnh Cao và Nguyễn Tài Cẩn.

1. Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt trên bờ nóc kiến trúc Ngọ Môn có hình thức chữ chân, viết trên nền pháp lam (ảnh 2):

Liên trì trình diễm sắc

Quế điện tống thanh hương

Viên lâm ngưng ngọc lộ

Tiêu hán diệu kim quang

Ao sen lên sắc thắm

Điện quế ngát hương thanh

Sương ngọc khắp vườn ngự

Ảo diệu ánh trăng ngân

2. Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt trên liên ba kiến trúc điện Thái Hòa có hình thức chữ chân, chạm nổi thếp vàng trên nền sơn son:

Thái bình tân chế độ

Hiên khoát cựu quy mô

Văn vật thanh danh hội

Xuân phong mãn đế đô

 

Thái bình chế độ mới

Mở rộng quy mô xưa

Văn vật cùng tụ hội

Gió xuân tràn đế đô

3. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt trên liên ba kiến trúc điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh) có hình thức chữ chân, chạm chìm thếp vàng trên nền sơn son:

Điều phong ứng luật khải phương thần

Liễu thúy hoa tiên thứ đệ trần

Thượng uyển tân oanh tải nhất chuyển

Càn khôn vũ trụ tổng giai xuân.

 

Gió thuận đẩy hương hợp đúng thời

Trước sau liễu biếc với hoa tươi

Chim oanh ríu rít vang vườn ngự

Vũ trụ màu xuân mãi đất trời.

4. Bài thơ thất ngôn bát cú luật thi trên đố bản kiến trúc điện Long An có hình thức chữ chân, khảm xà cừ trên nền gỗ. Đây là bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) của vua Thiệu Trị. Bài thơ là một hình thức chơi chữ rất tinh xảo, đạt đến đỉnh cao trí tuệ của ngôn ngữ. Từ 56 chữ, hoàng đế Thiệu Trị đã tổ chức sắp đặt theo đồ hình bát quái để đọc theo lối “hồi văn liên hoàn” thành 64 bài thơ (ảnh 1). Dưới đây là một bài liên hoàn trong vần CANH:

Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn

Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh

Sơn tỏa ám vân thôi trận trận

Lãng sinh khiêu ngọc địch thanh thanh

Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận

Dạng dạng ba châu liễu mậu vinh

Nhàn điếu nhất chu ngư dật tấn

Hướng lâm song tiễn yến phi khinh

 

Tròn vây gió nổi triều lan ngập

Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh

Non kín đen trời mây cuốn gấp

Sóng dâng gieo ngọc tiếng vang quanh

Tuôn theo suối thấm rêu dâm dấp

Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh

Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp

Động về chia dãy én bay nhanh.

5. Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tại liên ba đầu hồi điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng) có hình thức chữ chân, viết trên nền pháp lam:

Quế tống thanh hương viễn,

Mai truyền xuân tín tiên.

U lan nhụy chính uẩn,

Thùy liễu diệp do tiên.

 

Quế đẩy hương thoang thoảng,

Mai chuyển đến khí xuân.

Thâm sâu lan kín nhụy,

Buông rũ liễu còn tân.

6. Bài thơ ngũ ngôn bát cú phân bố trên 4 ô tại liên ba điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị), có hình thức chữ chân khắc chìm  thếp vàng trên nền sơn son:

Hà xứ xuân quang hảo,

Xuân quang vũ hậu giang.

Y liên hồi ngạn đẩu,

Trừng trạm toại lưu lung.

Thất luyện thiên tầm triển,

Lưu ly vạn khoảnh phùng.

Liễu đê ki điếu đĩnh,

Đào lãng phiếm du sang.

 

Nơi nào cảnh xuân đẹp,

Sau mưa cảnh trên sông.

Lăn tăn lan quanh bến,

Cuộn cuộn chảy xuôi dòng.

Mặt nước dài muôn dặm,

Vạn điểm sáng lanh long.

Liễu đê thuyền câu buộc,

Bè vượt sóng mênh mông.

Nguyễn Phước Hải Trung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”, sách dày 440 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành.

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

Sáng 1/1, tại cửa Ngọ Môn, Ban Tổ chức Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ hội đầu tiên của năm - Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn. ​

Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024
Return to top