ClockThứ Bảy, 28/05/2016 14:51
XÃ HỘI HÓA QUẢNG BÁ DU LỊCH:

Cần gỡ nút thắt

TTH - Ngân sách để quảng bá du lịch chỉ đủ cho khoảng hai chuyến tham gia hội chợ du lịch ở châu Âu. Trong khi đó, công tác quảng bá luôn được xem là quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của ngành du lịch. Kêu gọi và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp cùng tham gia quảng bá du lịch là vô cùng cần thiết hiện nay.

Quảng bá hiệu quả là tiền đề cho sự phát triển của ngành du lịch

 

Vướng mắc

Với ngành du lịch, dù xây dựng đa dạng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ có cao đến đâu thì du khách cũng sẽ không biết. Hay quảng bá, nhưng thiếu phương pháp, không đúng thị trường thì sẽ khó hiệu quả. “Quảng bá tốt, đúng sản phẩm, đúng thị trường khách chính là yếu tố quyết định sự thành công của du lịch. Sau đó mới tăng cường hơn nữa chất lượng các dịch vụ để giữ nguồn khách lâu dài”, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist khẳng định.

Có nhiều ý kiến cho rằng du lịch Huế đang bị chững lại, trong đó, quảng bá không hiệu quả được cho là một phần nguyên nhân. Ngân sách cho xúc tiến mỗi năm vào khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Với số tiền này, nếu tham gia quảng bá ở châu Âu sẽ được khoảng hai lần. Chỉ tính riêng giá thuê một gian hàng tại hội chợ đã mất đến cả nửa tỷ đồng. Hay chi phí cho một chuyến quảng bá ở Singapore cũng mất khoảng 250 triệu đồng. Con số này tăng lên theo những thị trường khách tiềm năng và cao cấp.

Chỉ Nhà nước sẽ không thể quảng bá hết các thị trường khách (Trong ảnh: Khách nước ngoài tham quan Đại Nội)

Ông Nguyễn Bảo Kỳ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết: “Cái khó lớn nhất là các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh chủ yếu đặt chi nhánh tại Huế. Ngân sách quảng bá của các chi nhánh rất hạn chế vì đã được tổng công ty quảng bá chung. Đối với các doanh nghiệp ở Huế, chỉ một số công ty lớn tham gia tích cực, còn đa số thiếu sự chung sức. Nhiều khi muốn tập hợp các doanh nghiệp lại để có sự quảng bá quy mô, hiệu quả cao hơn thì nhiều doanh nghiệp bảo rằng không đúng thị trường, thiếu kinh phí nên không cùng tham gia”.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế phân tích: “Cần phải xác định rằng quảng bá chính là một kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu của du lịch. Quảng bá cho một điểm đến hay sản phẩm là cả một quá trình liên tục, có hiệu quả lâu dài, không thể đạt hiệu quả tức thì. Cần một đánh giá thật khách quan về hiệu quả quảng bá hiện nay như thế nào, kinh phí và nhân lực có đảm bảo để có phương hướng giải quyết. Với nhiều biến động của thị trường như hiện nay, chỉ có kênh quảng bá của Nhà nước là không đủ. Xã hội hóa (XHH) quảng bá thật sự cần thiết, tuy nhiên, XHH như thế nào cho có hiệu quả là chuyện không hề đơn giản”.

Tháo nút thắt

Thị trường khách của Huế đa dạng, chỉ dựa vào ngân sách của Nhà nước mà quảng bá đến hết các thị trường là không thể. Nguồn kinh phí mà các doanh nghiệp tự đi quảng bá cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn như Huetourist dành đến 16% lợi nhuận để làm công tác quảng bá, hay Vietravel con số này khoảng gần 5% lợi nhuận của công ty. Nguồn lực là có, nút thắt cần được tháo ở đây là thiếu sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp mà thôi.

Du khách đến Huế du lịch

Ông Trần Quang Hào khẳng định: “Huetourist sẵn sàng cùng với các doanh nghiệp khác tham gia XHH, không chỉ có quảng bá mà tất cả các lĩnh vực khác của ngành du lịch. Điều quan trọng là Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi họ tham gia. Một cơ chế mở hơn cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như ở sân bay, Nhà nước có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cùng tham gia quảng bá. Hay ở Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch (số 1, Phạm Hồng Thái) có  mặt bằng rất rộng, Nhà nước có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê lại một phần nhỏ diện tích. Khi du khách đến có thể vừa có những giải đáp chính thống từ Nhà nước và có thể sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp…Khi đó, Nhà nước có kinh phí hoạt động, doanh nghiệp cũng bán được sản phẩm, chắc chắn doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tham gia XXH”.

Ông Hoàng Văn Khánh cho rằng, các bên liên quan cần ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung. Nhà nước cần nghe nguyện vọng, yêu cầu của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có từng dòng khách nên có những tiêu chí đặt ra khác nhau khi tham gia XHH. Mặt khác, du lịch có tính chuyển dịch, biến động liên tục nên đây cũng là một trở ngại cần lưu ý để sự phối hợp đạt hiệu quả. Đặc biệt, khi XHH, chức năng giám sát và điều chỉnh của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Không thể thả lỏng quyền tự quyết cho một, hai doanh nghiệp, sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các bên và đôi lúc sai định hướng phát triển của Nhà nước.

Ông Nguyễn Bảo Kỳ, cho biết: “Thời gian đến, chúng tôi sẽ kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia XHH công tác quảng bá. Hy vọng, thời gian đến chức năng quảng bá điểm đến của Nhà nước được đảm bảo và khả năng quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp cũng được tăng lên. Bên cạnh đó, với sự sáp nhập của Hiệp hội Du lịch và sự ra đời của các chi hội đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ cải thiện được nhiều mặt, có tiếng nói chung hơn.”.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội hóa bảo vệ môi trường

Xác định xã hội hóa (XHH) là một trong những biện pháp tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT),

Xã hội hóa bảo vệ môi trường
Đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”

UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Đây là chiếc ấn được hãng đấu giá Millon ở Pháp cho ra đấu giá công khai trên trang web của hãng và nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, sưu tập cổ vật.

Đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”
Xã hội hóa các chương trình Festival Huế

Bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ kinh phí tổ chức từ các nhà tài trợ, nhiều chương trình, hoạt động năm nay được xã hội hóa, làm tăng sự sôi động, đa dạng cho Festival Huế 2022.

Xã hội hóa các chương trình Festival Huế
Return to top