ClockThứ Hai, 23/05/2016 15:54

Chuyển hướng để du lịch thoát khó

TTH - Để hạn chế thiệt hại và đảm bảo nguồn khách trong mùa hè, các doanh nghiệp du lịch chuyển hướng, đa dạng hóa sản phẩm để thay thế những dịch vụ bị hạn chế trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp gặp khó

Sản phẩm chủ lực của du lịch Thừa Thiên Huế là văn hóa di sản nên thiệt hại từ du lịch biển chưa có tác động lớn đến sự phát triển du lịch. Tuy nhiên, các bãi biển vắng khách và nhiều khách du lịch đã hủy tour nghỉ dưỡng ở biển Lăng Cô, Thuận An...

Suối Mơ thu hút du khách

Đại diện Thanh Tâm resort (Lăng Cô) cho biết, từ khi xảy ra hiện tượng cá chết đến nay, khách hàng hủy tour gần như 100%. Không có nguồn thu, doanh nghiệp chật vật xoay xở tiền lương, điện nước, buộc phải cắt giảm một nửa nhân viên. Ana Mandara resort (Thuận An) có 130 nhân viên nhưng mỗi ngày chỉ phục vụ 2-3 khách.

Ông Lê Đình Huy, Trưởng bộ phận điều hành Công ty du lịch Footstep chi nhánh Huế cho hay: “Theo kế hoạch, tháng 6 này, công ty chúng tôi đón đoàn 60 khách từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nghỉ dưỡng tại Lăng Cô. Tuy nhiên, trước tình hình này, họ chuyển sang đi Mũi Né, Phú Quốc dù đã xuất vé máy bay”. Năm nay, Huetourist cũng không có nguồn khách đi nghỉ dưỡng ở biển.

Trước khó khăn, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Thừa Thiên Huế đang tiến hành các giải pháp tích cực. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc chất lượng môi trường ở nhiều địa điểm khác nhau trên các bãi tắm chủ lực 4 lần mỗi ngày và kết quả các chỉ số lý hóa đều nằm trong giới hạn cho phép. Laguna Lăng Cô cũng chủ động thuê chuyên gia quan trắc độc lập và nguồn khách về đây nghỉ dưỡng vẫn ổn định.

Chuyển hướng

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho rằng: “Phải làm quan trắc thường xuyên, đưa thông tin công khai, minh bạch. Có thể thuê chuyên gia độc lập kiểm định môi trường, thực phẩm thường xuyên để củng cố niềm tin của mọi người”.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình cảnh khó khăn, các khu du lịch biển cần chuyển hướng để tự cứu mình thông qua sự kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, thay đổi dịch vụ, sản phẩm.

Theo ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh khuyến mãi kích cầu, các khu resort nên tổ chức những hoạt động ấn tượng để quảng bá, đồng thời phát triển các dịch vụ khác ngoài bám vào biển.

Khách có tâm lý lo ngại tắm, ăn hải sản nhưng nhiều người vẫn thích không khí biển. Các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch cần kết nối với nhau xây dựng tour tuyến, dịch vụ thay thế. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho rằng: “Thay vì tắm biển, khách đi tham quan rồi về lưu trú ở resort như ở khách sạn. Các resort có thể xây dựng mức giá vừa phải và đồng bộ để phục vụ những đoàn khách tập thể; đồng thời, đa dạng hóa, đầu tư mạnh các dịch vụ, như các hạng mục trò chơi, đạo cụ teambuilding, có chính sách kích cầu hướng vào khách du lịch Mice” (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).

Lâu dài, du lịch biển của Thừa Thiên Huế cần thay đổi để thu hút du khách, khi nhiều điểm du lịch biển ở các địa phương khác nổi lên. Ông Lê Đình Huy nói: “Cần xem xét đâu là giải pháp trước mắt cho du lịch biển trong mùa hè này và đâu là giải pháp lâu dài trong tương lai. Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là cơ hội để hoàn thiện sản phẩm, tăng cường đầu tư cho du lịch biển”.

Trước khó khăn, các khu du lịch chủ động triển khai giải pháp để tăng nguồn khách. Ana Mandara khai trương dịch vụ tắm bùn, ngâm hương liệu. Thanh Tâm resort đưa ra các gói khuyến mãi hấp dẫn, tổ chức dịch vụ tắm hồ bơi. Ngoài phục vụ các loại hải sản sống, sạch được kiểm định an toàn, các khu du lịch có những thực đơn thay thế để khách có nhiều lựa chọn. 

Tìm sản phẩm thay thế

Các doanh nghiệp du lịch đang tính đến việc tìm kiếm những sản phẩm thay thế gần biển. Theo ông Lê Đình Huy, Phú Lộc có tiềm năng về du lịch sinh thái nhưng phát triển chưa xứng tầm. Du lịch Phú Lộc ngoài biển còn có Thiền viện Trúc Lâm, Bạch Mã, làng cổ Mỹ Lợi, đảo Sơn Chà, hệ thống sông suối… Ngay ở Hói Mít, Hói Dừa có thể thiết kế một tour du lịch hấp dẫn: đạp xe tham quan cảnh đẹp sinh thái, đi trekking, tổ chức teambuilding, tắm suối Mơ... các doanh nghiệp cũng đang tiến hành xây dựng sản phẩm homestay ở Gành Lăng (Lộc Bình).

Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – Công ty du lịch Nụ Cười Huế cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng tour xe đạp theo lộ trình đón khách ở Huế, ngủ tại Lăng Cô, tham quan, tắm sông suối”. 

Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay: “Phú Lộc đã quy hoạch một số điểm du lịch, như: suối Mơ, suối Voi, hồ Truồi, đầm Cầu Hai. Suối Voi đã có nhà đầu tư, sắp tới sẽ được đầu tư bài bản. Đầm Cầu Hai không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết, có thể dùng làm nguồn thủy hải sản”.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, cùng với việc quảng bá các loại hình du lịch văn hóa di sản, các doanh nghiệp lữ hành chủ động xây dựng các tour tuyến du lịch cộng đồng: cầu ngói Thanh Toàn, Thủy Biều, hoa giấy Thanh Tiên, các làng thủ công mỹ nghệ; nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Tân, Mỹ An; hoặc lên với vùng cao Nam Đông, A Lưới tận hưởng không khí trong lành của du lịch sinh thái. Các loại hình du lịch mạo hiểm, sông suối tiếp tục được hoàn chỉnh kịp thời đưa vào khai thác trong dịp hè. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp liên kết tổ chức thêm nhiều dịch vụ trên sông Hương.

Điều quan trọng trước mắt là các doanh nghiệp lữ hành sớm vào cuộc, xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói kết hợp cả vận chuyển, lưu trú, tham quan… đẩy mạnh bán trong mùa hè.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top