ClockThứ Hai, 15/08/2016 10:19

Quảng bá du lịch qua phim: Nói dễ làm khó

TTH - Phim là mảnh đất màu mỡ để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đối với Huế quảng bá du lịch qua phim đang còn khá hạn chế.

Khó đủ đường

Anh bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mỗi lần gặp mặt là mang chuyện liên quan đến chuyên môn của mình để trao đổi. Gần đây, có dịp ngồi cà phê chiều, cuộc nói chuyện bỗng trở nên rôm rả khi đề tài bàn luận là về những bộ phim đang được trình chiếu, từ phim chiếu rạp cho đến phim truyền hình. Anh bạn bảo, trên các đài truyền hình toàn chiếu phim hai đầu Bắc, Nam, xem hoài cũng ngán. Như nhớ ra điều gì, anh vỗ vai tôi rồi nói, xem trailer của phim “Kong: Skull Island” do đoàn làm phim Hollywood quay có cảnh ở Quảng Bình, Hạ Long và Ninh Bình chưa? Tôi lắc đầu. Về mở xem đi, nhìn những cảnh quay đẹp tuyệt. Xem xong, muốn đi đến đó luôn.

Chùa Quy Thiện (Huế) được chọn làm bối cảnh cho một cảnh quay của bộ phim Dòng sông phẳng lặng. Ảnh: DT

Câu chuyện dần lắng xuống thì anh bạn quay sang hỏi tôi: “Sao Huế mình không có những đoàn làm phim về quay như thế nhỉ? Huế là một trường phim thực sự đấy chứ. Có quần thể di tích để đóng phim cổ trang; có một nền văn hóa đặc sắc, thành phố với những con đường rợp bóng cây xanh, có dòng sông Hương, không chỉ thơ mộng mà còn gắn liền với chiều dài hình thành của vùng đất; có núi, có biển…gì cũng có!”. Nghe anh bạn nói, nghĩ cũng đúng. Tiềm năng của Huế quá lớn!.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu cho biết, khách quan ai cũng nhận thấy được điều này. Đi sâu vào sự việc thì không đơn giản như thế. Hiện nay, phim truyền hình ở nước ta đang khai thác nhiều về những đề tài phê phán cái xấu, cái ác trong đời sống xã hội, những vấn đề mang tính thời sự... Những đề tài này lấy bối cảnh ở Huế để đóng thì không phù hợp. Có chăng là những cảnh quay lướt qua, mà như thế thì hiệu quả về quảng bá hình ảnh không cao.

“Ngay cả những bộ phim được đóng Huế xong cũng gặp những chỉ trích sau khi khởi chiếu, cả lý do khách quan và chủ quan. Bộ phim “Dòng sông phẳng lặng” quay năm 2004 được dư luận quan tâm, nhưng khi trình chiếu lại bị phê bình. Bối cảnh đóng ở Huế nhưng giọng nói trong phim thì toàn giọng của miền Bắc; gần đây hơn, bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” được đóng ở Huế cũng bị giới phê bình lên tiếng vì không phù hợp với bối cảnh. Kiến trúc cung đình ở thời Trần khác với thời Nguyễn. Bên cạnh đó, trang phục cũng không phù hợp...”. Ông Nguyễn Văn Thanh phân tích.

Huế đúng là một trường phim, nhưng trường phim này tồn tại song song với đời sống của người dân nên không bao giờ trở thành một trường phim chuyên nghiệp. Không thể so sánh với các nước khác vì họ có một trường phim riêng. Ngoài ra, cũng không thể so sánh với Quảng Bình, Ninh Bình hay Hạ Long vì họ có những cảnh còn quá hoang sơ, hùng vĩ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, nếu đóng những cảnh quay như ở Quảng Bình trong phim “bom tấn” của Hollywood vừa qua thì Huế không thể. Mỗi bộ phim luôn có toàn cảnh và cận cảnh. Với Quảng Bình, ngoài những toàn cảnh đẹp, cận cảnh của họ trong các hang động vẫn thể hiện được sự thu hút. Còn ở Huế, nếu quay ở Bạch Mã, toàn cảnh sẽ đẹp, nhưng những cận cảnh chủ yếu là suối và rừng cây, ít thể hiện được cái riêng.

Trong một lần nói chuyện gần đây với giới chuyên môn và khán giả Huế, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, phim ở nước ta đang bị thương mại hóa, kinh doanh hóa, nhiều bộ phim được làm với mục đích lợi nhuận. Nhiều hãng phim tư nhân hoạt động với chỉ một mục đích làm sao đó sau một bộ phim phải thu thật nhiều tiền. Vì thế, họ khai thác những đề tài “nóng” đang được dư luận quan tâm. Riêng ở Huế, khá khó để xây dựng những kịch bản có nội dung đang ăn khách gắn với bối cảnh.

Cái gì cũng thiếu

Ông Nguyễn Bảo Kỳ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết, quảng bá qua phim rất hiệu quả. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những hình ảnh của điểm đến trong phim càng dễ tiếp cận với du khách hơn, thể hiện vẻ đẹp của điểm đến một cách khách quan mà du khách có thể đánh giá. Thời gian qua, những phim quảng bá du lịch có dung lượng ngắn được chú trọng đầu tư. Nhưng đúng là chưa được nhiều và thường xuyên, chủ yếu là hợp tác với các đài truyền hình, hỗ trợ thêm kinh phí và các điều kiện để quay. Với tổng kinh phí cho xúc tiến quảng bá khá hạn hẹp như hiện nay, chủ yếu tập trung quảng bá ở các hội chợ, kinh phí để quảng bá qua phim không được nhiều.

Để có một bộ phim về Huế, phải quy tụ được hai yếu tố, nội lực và ngoại lực. Trong đó, nội lực luôn quyết định. Theo NSND Nguyễn Ngọc Bình, nhân lực của Huế còn thiếu. Hiện nay, Huế chưa đào tạo được những con người làm đạo diễn, những người có chuyên môn sâu về làm phim. 

Ông Nguyễn Văn Thanh tâm sự: “Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự liên kết giữa những con người làm nghệ thuật rất quan trọng. Đúng là đôi lúc những nghệ sĩ cống hiến không phải vì tiền. Họ sẵn sàng vì bạn bè, đồng nghiệp mà lao vào hoạt động nghệ thuật không biết mỏi mệt. Tiếng nói và cả sự kết nối của văn nghệ sĩ Huế trong lĩnh vực nghệ thuật chưa được mạnh. Để “lôi kéo” bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi về Huế làm phim thông qua mối thâm giao thì Huế chưa một ai làm được”.

Ở Huế có những người viết kịch bản phim? Hầu như không có ai! Đó là sự khẳng định của nhiều nhà văn đang sống ở Huế. Viết tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký… không giống với viết kịch bản phim. Viết kịch bản phim ngoài nội dung có sức hấp dẫn thì người viết phải lường trước nhiều tình huống. Với con người, bối cảnh của Huế thì liệu bộ phim có thể quay và nếu quay xong có phù hợp với thị hiếu chung của xã hội…

Trong đề án phát triển du lịch của Sở Du lịch, quảng bá là một nội dung quan trọng. Với định hướng này, hy vọng kinh phí và những hình thức quảng bá mới sẽ được đầu tư hơn, trong đó, tăng cường đầu tư quảng bá qua phim. Để hình ảnh, con người, văn hóa Huế đến gần hơn với mọi người, không chỉ trong nước mà toàn thế giới.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top