ClockThứ Bảy, 30/07/2016 11:45

Thiếu hướng dẫn viên ngôn ngữ hiếm

TTH - Huế đang khan hiếm hướng dẫn viên (HDV) ngôn ngữ hiếm. Để HDV các ngôn ngữ này tăng về cả số lượng và chất lượng là điều không dễ, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan.

Khan hiếm

Trong 19 ngôn ngữ được Việt Nam cấp thẻ hành nghề hiện nay, Huế còn rất nhiều ngôn ngữ không có HDV. Thống kê của Sở Du lịch, riêng khách Hàn Quốc đến Huế trong 5 tháng đầu năm 2016 là hơn 60 nghìn lượt, trong khi đó, HDV tiếng Hàn Quốc được cấp thẻ chỉ có 8 người (tính đến tháng 7/2016). Theo nghiên cứu của Khoa Du lịch (Đại học Huế), đã là khách du lịch, chỉ một người cũng đã cần HDV. Còn khách đi theo đoàn, trung bình khoảng 20-25 khách sẽ cần một HDV. Nếu lượng khách cao hơn thì một HDV không đủ khả năng hướng dẫn và kiểm soát đoàn.

Hướng dẫn du khách tham quan Đại Nội

Tiếng Thái được xem là ngôn ngữ hiếm tại Huế. Lượng khách Thái Lan đến Huế không ngừng tăng, song Huế chỉ có 5 HDV tiếng Thái. Chị Võ Thị Phương Thanh Lan, một HDV tiếng Thái cho biết, với lượng khách tăng cao, chỉ HDV người Huế là không đủ. Thực tế khi khách Thái Lan đến Huế đa số do HDV từ Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng hướng dẫn. Một số công ty lớn thì do HDV ở hai đầu TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của họ đi cùng.

HDV ngôn ngữ hiếm được hiểu đơn giản là ít có HDV hoạt động và không đủ đáp ứng với lượng khách ở địa phương. Ở Huế các DHV ngôn ngữ hiếm như: Tiếng Ý, Bồ Đào Nha (không có HDV), Thái (5 HDV), Hàn (8 HDV), Đức (25 HDV)…

Sử dụng HDV từ các địa phương khác là cách giải quyết bài toán thiếu HDV các ngôn ngữ hiếm được hầu hết các công ty lữ hành sử dụng. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng bộ môn Lữ hành - Hướng dẫn du lịch Khoa Du lịch (Đại học Huế), thông thường HDV các địa phương khác có độ am hiểu về Huế không bằng HDV bản địa. Điều này nhiều lúc dễ dẫn đến hướng dẫn cho khách không sâu, qua loa, đôi khi không đúng với lịch sử, văn hóa.

Theo ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Saigontourist chi nhánh Huế, đối với Saigontourist, khi khách đến một địa phương nào đó sẽ có HDV của tổng công ty đi theo. Tuy nhiên, đôi lúc cũng gặp những trường hợp thiếu HDV ở một số ngôn ngữ hiếm. Cách giải quyết là sẽ thuê cộng tác viên tại các điểm đến. Cộng tác viên sẽ có nhiệm vụ dịch lại nội dung mà HDV tiếng Việt nói đến với du khách. Dù tính hấp dẫn sẽ không cao như HDV đúng ngôn ngữ trình bày, song đó được xem là giải pháp tạm thời.

Một số công ty khác lại cho biết, đã không ít lần gặp trường hợp có  khách nhưng không mời được HDV hướng dẫn. Gặp những tình huống như thế sẽ liên hệ với một số công ty khác có chung nguồn khách, lịch trình để ghép tour. Cách giải quyết này nhiều khi thiếu hiệu quả, vì dù chung khách sử dụng ngôn ngữ nhưng chất lượng các dịch vụ lại khác nhau. Điều này dẫn đến khách sẽ không hài lòng.

Cần giải pháp lâu dài

Thanh tra Sở Du lịch khẳng định, do thiếu HDV ngôn ngữ hiếm mới dễ dẫn đến tình trạng người không có thẻ đi hướng dẫn vì biết nói ngôn ngữ đó và người nước ngoài sang hành nghề tại Huế. Mới đây trong ngày 21/7, Thanh tra Sở Du lịch phát hiện và xử phạt hành chính đối với một người Thụy Sĩ hành nghề HDV tại di tích Huế.

Hướng dẫn du khách tham quan lăng Khải Định

Có một giải pháp nữa được đa số công ty lữ hành áp dụng trước tình trạng thiếu HDV ngôn ngữ hiếm là sử dụng HDV trung gian. Cụ thể như khách ở một số nước có biết thêm tiếng Anh thì các công ty lữ hành sẽ thuê HDV tiếng Anh để dẫn đoàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời, không phải đoàn khách nào cũng biết hai ngôn ngữ trở lên.

Sử dụng những người từng sinh sống lâu năm ở các nước, có khả năng nói tốt ngôn ngữ đó để đào tạo nghiệp vụ HDV. Đây là ý tưởng hay, nhưng không thể thực hiện vì trong Luật Du lịch, để có thẻ HDV du lịch quốc tế phải có ít nhất một bằng đại học. Điều này thì ít người có.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm phân tích: “Giải pháp căn cơ và lâu dài để giải quyết thiếu HDV ngôn ngữ hiếm là đào tạo ra được những người thành thạo ngôn ngữ này. Chẳng hạn, để có những sinh viên biết tiếng Đức, tiếng Ý…thì cần có thêm những lớp học nghiệp vụ, chứng chỉ, văn bằng hai về ngôn ngữ đó. Bởi, những người đã biết ngoại ngữ, khi học thêm một ngôn ngữ nữa sẽ rất nhanh. Về mặt cơ sở đào tạo chắc chắn sẽ làm được vì ở Huế có trường đại học đào tạo ngoại ngữ. Quan trọng là có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên môn, cơ sở đào tạo và các công ty lữ hành, để sau khi các em ra trường sẽ về làm HDV cho công ty, không mang tính lâu dài song cũng có thời gian nhất định. Theo tôi, đây là giải pháp có thể làm được nếu các bên liên quan quyết tâm”.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, tình trạng thiếu HDV ngôn ngữ hiếm là bài toán khó với Huế khi Huế là điểm đến của nhiều thị trường khách. Giải pháp liên kết với cơ sở đào tạo để xây dựng được đội ngũ HDV ngôn ngữ hiếm sẽ được Sở Du lịch chủ động phối hợp thực hiện với các bên liên quan trong thời gian đến.

Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ sinh viên, Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cho biết, mùa tuyển sinh năm 2016, trường đào tạo 6 ngôn ngữ: Anh,  Pháp, Nga, Trung, Nhật và Hàn. Các ngôn ngữ khác nhà trường đang nghiên cứu nhu cầu của người học. Dù không có giáo viên giảng dạy các ngôn ngữ khác nhưng vấn đề này có thể khắc phục được. Quan trọng là nhu cầu ở người học.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top