ClockThứ Hai, 18/07/2016 05:51

Thiếu nụ cười

TTH - Đối với du lịch, để làm hài lòng du khách đôi khi đơn giản chỉ là những nụ cười vui vẻ, thân thiện ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào.

Khách hàng mua quà lưu niệm tại một quầy hàng gần chùa Thiên Mụ

Đâu tốn tiền mua!

Cuối tháng 5, chúng tôi có dịp đi cùng với đoàn famtrip Thái Lan đến Huế khảo sát. Sau khi tham quan xong Thế Miếu (Đại Nội), đoàn khách đi ra lối sau để vòng qua điện Thái Hòa. Ngay sau lưng Thế Miếu có một quán nước giải khát. Trời nắng nóng, ai cũng tỏ ra mệt mỏi. Khi thấy quán nước, cả đoàn liền dừng lại và mua nước uống. Đoàn gần 40 người, trong khi quán chỉ có một người phục vụ cũng chính là chủ quán nên nhiều người đã tự động lấy nước uống. Không thể kiểm soát được “tình hình”, chủ quán tỏ ra bực mình. Thấy vậy, một vị khách trong đoàn vội vàng đi đếm số lượng nước mà đoàn khách đã lấy. Sau một hồi “kiểm tra” kỹ càng, tiền nước được thanh toán xong và đoàn khách lên xe điện di chuyển đến điện Thái Hòa. Không biết có tính thiếu hay không mà chủ quán vẫn tỏ ra rất “khó chịu”, không thể nở một “nụ cười” để tiễn khách.

Tôi mang câu chuyện này kể với một số anh, chị đang hoạt động trong ngành du lịch. Một anh bạn có kinh nghiệm làm tour khách Thái Lan cho hay, người Thái họ rất khó chịu với phong cách phục vụ thiếu niềm nở. Nếu không ưng ý một điểm nào đó, họ sẽ mang ra bàn tán, không chỉ lúc đó mà còn nhiều ngày sau nữa và kể cho nhiều người khác cùng nghe. Điều này cũng dễ hiểu, vì họ bỏ tiền ra mua mà được “đối xử” như thế thì mấy ai hài lòng. Nếu đặt người Việt mình vào những trường hợp đó, chắc chắn cũng có cảm giác khó chịu, chứ đừng nói là du khách.

Gần đây hơn, tôi ra chợ Đông Ba để mua một số mặt hàng cần thiết. Đi ngang qua dãy hàng bán nón lá, tôi tình cờ gặp tình huống không được “đẹp mắt” cho lắm. Chuyện là có hai người khách nói giọng miền Nam đang đứng mua hàng. Không biết trước đó có chuyện gì giữa hai bên, nhưng nhìn khuôn mặt bà chủ bán nón rất “nghiêm trọng”. Để biết sự tình, tôi liền theo chân và bắt chuyện với hai vị khách. Họ kể ở miền Tây ra Huế du lịch. Biết chợ Đông Ba nổi tiếng nên đến tham quan. Vào chợ, thấy nón đẹp, họ quyết định mua ít chiếc về làm quà cho người thân. “Chủ quầy bảo một chiếc nón có giá 50.000 đồng, thấy khá đắt nên tôi có trả giá xuống còn 30.000 đồng. Mới đầu, chủ quán không chịu bán, hai chúng tôi bỏ đi thì được kêu lại bán. Vậy là chủ quán tỏ ra bực mình, cáu gắt và nói gì đó mà chúng tôi không hiểu”, hai vị khách cho biết.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế chia sẻ, du khách đến Huế là để vui chơi, khám phá và quan trọng là họ đến là để tiêu tiền. Không hiểu vì sao nhiều người vẫn tỏ thái độ khó chịu, thiếu vui vẻ khi tiếp đón khách. Đối với du lịch, không phải cung cấp những sản phẩm tốt, những món ăn ngon nhất là đã thu hút được du khách, mà chỉ cần tạo ra không gian thoải mái, nở những nụ cười nhẹ nhàng là đã làm hài lòng du khách.

Du khách tham quan chùa Thiên Mụ

Không thể “mưa dầm thấm lâu”

Chuyện thiếu nụ cười của những người tham gia phục vụ du khách luôn được các cơ quan chức năng theo dõi. Cách đây không lâu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Công ty Huetourist tổ chức lớp tập huấn “training” cho cán bộ, công nhân viên đang tham gia phục vụ du lịch. Mục đích là nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự gần gũi giữa du khách và điểm đến. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết: “Nâng cao nhận thức cho những người đang phục vụ du lịch là rất khó. Nhiều người đã lớn tuổi, có người sắp về hưu nên họ ít quan tâm đến điều này. Mặt khác, phong cách sống cũ đã ăn sâu vào nhận thức. Nhiều người vẫn “cố chấp” và không chịu lắng nghe những chia sẻ của người khác. Nhiều người đã qua các lớp tập huấn vẫn vậy, không thay đổi chút nào. Theo tôi, đây đúng là vấn đề nan giải của ngành du lịch Huế hiện nay”.

Thiết nghĩ, khi du lịch ngày càng phát triển, mỗi con người là một cầu nối giữa Huế với du khách thì cung cách phục vụ, tạo được sự chuyên nghiệp là cần thiết. Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi một cá nhân hãy tự thay đổi. Phải biết vận động để bắt kịp với thời đại mới. Không thể chậm rãi, như kiểu “mưa dầm thấm lâu” mà phải thay đổi nhanh chóng và ngay từ bây giờ.

“Để nâng cao khả năng phục vụ du khách, đặc biệt tăng “nụ cười” trong giao tiếp thì cần thường xuyên phát động các phong trào và tổ chức cuộc thi về nghiệp vụ du lịch. Các cuộc thi này nên có tính định kỳ và bắt buộc”, ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Footsteps Travels, chi nhánh Huế góp ý.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Return to top