ClockThứ Năm, 28/07/2016 09:49

Tour guide - Nghề “làm dâu trăm họ”

TTH - Nhìn bề ngoài, nghề hướng dẫn viên du lịch rất “sướng”, được đi đây đó miễn phí, thu nhập lại cao. Không phải ai cũng biết những vất vả, khó nhọc của người trong nghề.

Vừa lao động trí óc vừa lao động chân tay

Gầy gò, đen nhẻm là “hậu quả” sau hơn 4 năm Liên gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch (HDV). Một chút tiếc nuối ẩn sau đôi mắt nhưng rồi cô gái xua tay: “Nghề hướng dẫn dầm mưa dãi nắng, đôi khi không kịp ăn, lấy đâu thời gian chăm sóc bản thân. Đổi lại, em có rất nhiều trải nghiệm thú vị”.

HDV phải luôn linh hoạt trong mọi tình huống cũng như đem đến niềm vui cho khách trong suốt chuyến đi. Ảnh: Võ Nhân

Thích được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau, ước mơ trở thành HDV nung nấu trong Liên từ bé. Lớn lên, cô quyết tâm thi vào Khoa tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế và học thêm nghiệp vụ ở Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế. Ra trường, Liên làm HDV suốt tuyến cho khách nội địa và khách quốc tế, thường phải đi 4-5 ngày, rất vất vả. Chuyên dẫn khách đi tour “Con đường di sản miền Trung”, Liên cứ sáng Huế, chiều Đà Nẵng, tối Hội An.

Là HDV tiếng Pháp suốt tuyến, cứ vào mùa khách quốc tế, lịch làm việc của anh Vĩnh Hoàng dày đặc. Mỗi tour xuyên Việt khoảng 13-15 ngày, có khi lên đến 28 ngày nên hầu như anh xa nhà cả tháng, lễ, tết càng phải đi nhiều hơn.

Nhiều khi con ốm hay gia đình có việc đột xuất cũng không về được, anh nóng ruột nhưng đành bấm bụng vui cười với khách. Làm HDV cũng luôn phải chấp nhận chuyện khi thiên hạ đi chơi thì mình làm việc. Nhiều cái Tết nối tiếp trôi qua, chưa lần nào anh Vĩnh Hoàng cùng gia đình quây quần bên mâm cơm giao thừa.

Không ít người lầm tưởng, HDV là nghề nhàn hạ, chỉ việc lên xe cầm micro thuyết minh. Thực tế, HDV có vô vàn công việc có tên và không tên, vừa lao động trí óc vừa lao động tay chân: thuyết minh, chăm sóc khách, hoạt náo, phục vụ, xử lý tình huống… Với nữ, công việc này khó khăn bội phần. Rào cản đầu tiên mà HDV nữ phải vượt qua để vào nghề là sức khỏe.

Nhiều người trong nghề ví von, HDV là nghề “làm dâu trăm họ”. Vậy nên, HDV luôn chịu đựng khi có sự cố, nhất là khi khách sạn hết chỗ, nhà hàng không phục vụ chu đáo..., khách cứ nhằm “tour guide” để trách móc. Anh Vĩnh Hoàng tâm sự: “Khó khăn của nghề hướng dẫn không phải ai cũng hiểu: Di chuyển nhiều, ăn uống thất thường, mất ngủ, áp lực phải chăm sóc và giải quyết các rắc rối của khách trong mỗi chuyến đi… Có khi gặp khách khó tính, yêu sách vẫn phải tươi cười, lựa lời thuyết phục để khách hài lòng”.

Chuyến đi có thành công hay không, du khách có thấy thoải mái và tiếp nhận hình ảnh tốt về nơi mà họ đến hay không, vai trò của HDV rất quan trọng. Để khách hài lòng, ngoài kiến thức, chuyên môn, thái độ làm việc lịch sự và chu đáo, HDV cần có những kỹ năng, kinh nghiệm hướng dẫn và linh hoạt trong mọi tình huống. “Khi tôi dẫn 6 vị khách người Úc đi tour 4 ngày, một nữ du khách lớn tuổi trong đoàn không may bị ngã, chân sưng vù. Sáng nào trước khi đi, tôi cũng đến hỏi thăm rồi xoa bóp chân cho bà. Trước giờ về nước, không ngờ cả đoàn đều khóc, họ bảo ước gì có thể… bỏ tôi vào va ly mang theo. Mấy năm rồi, họ vẫn liên lạc đều đặn”, Liên kể về một kỷ niệm đáng nhớ của mình.

“Tinh hoa” trong ngành du lịch

Thông qua lăng kính, hình ảnh của HDV, du khách sẽ có cái nhìn đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Vì thế, HDV phải thật năng động, có lập trường quan điểm tốt và ứng xử kịp thời với các tình huống. Anh Nguyễn Du bộc bạch: “Với du khách nước ngoài, họ chưa biết về văn hóa, phong tục, tập quán, các lễ hội của Việt Nam, nên HDV phải am hiểu để khéo léo quảng bá văn hóa đất nước mình đến với du khách…”.

Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Lữ hành - Hướng dẫn du lịch (Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế), lao động trong doanh nghiệp lữ hành nói chung và lao động trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch nói riêng được coi như lao động “tinh hoa” trong ngành du lịch. Nó hướng tới sự hoàn thiện và nâng cao chân - thiện - mỹ, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và thái độ lao động tốt.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, đạo đức nghề nghiệp vô cùng quan trọng và cần thiết đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nên Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế đang nghiên cứu tách nội dung này thành một môn học đạo đức nghề nghiệp như các cơ sở đào tạo ở các nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển, bà Thủy nhấn mạnh.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Du lịch (Sở Du lịch) cho rằng, chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc rất nhiều vào HDV. HDV làm tốt, biết cách “thổi hồn” vào sản phẩm thì chất lượng sản phẩm sẽ đi lên. Thực tế, bên cạnh nhiều HDV có tâm với nghề vẫn có một bộ phận HDV vì chạy theo lợi ích kinh tế mà đánh mất bản thân, làm xấu hình ảnh du lịch. Vì thế, mỗi HDV phải tự trau dồi kiến thức, đạo đức, bản lĩnh, có như vậy mới giữ được hình ảnh, chất lượng sản phẩm du lịch, cũng chính là giữ “nồi cơm” của mình.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, anh Vĩnh Hoàng luôn tự nhắc: “Những người có tư tưởng “ăn xổi” sẽ tự làm mất uy tín của mình. Thị trường HDV cũng tự đào thải, nếu giỏi sẽ có việc liên tục, ngược lại, yếu kém về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp thì không thể tồn tại lâu dài”.

MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top